Bất cứ khi nào ta tham gia thị trường ta đều có kỳ vọng sẽ có thể kiếm được lợi nhuận. Đây là lý do chính đáng mà mọi Trader đều có.
Kỳ vọng được hiểu là mong muốn một kết quả sẽ xảy ra trong tương lai, hiện tại chưa đạt được.
Hãy cùng đến một ví dụ đơn giản để hiểu rõ về kỳ vọng.
Trong kỳ thi tuyển vào đại học. Tất cả các thí sinh đều kỳ vọng mình sẽ đỗ vào trường mình đăng ký.
Kỳ vọng đỗ đại học là mong muốn bên trong của mỗi thí sinh, kết quả đỗ hay trượt là yếu tố xảy ra bên ngoài, nó phụ thuộc vào nhiều biến số hơn (năng lực, tâm lý thí sinh, đề thi..).
Các thí sinh đỗ hay đạt được kỳ vọng sẽ vui mừng do yếu tố xảy ra bên ngoài phù hợp với kỳ vọng bên trong.
Ngược lại các thí sinh trượt hay không đạt được kỳ vọng sẽ buồn hoặc trải qua nỗi đau tinh thần do các yếu tố bên ngoài không đáp ứng với kỳ vọng bên trong.
Thông thường khi ta kỳ vọng nó sẽ tạo ra một khoảng trống kỳ vọng, khoảng trống kỳ vọng thường gây ra nỗi đau cho con người.
Bởi lẽ, con người có cơ chế ngăn ngừa nỗi đau, nên nếu có bất kỳ cơ hội, lý do nào đó thuyết phục có khả năng đạt được kỳ vọng thì nỗi đau sẽ chưa xuất hiện.
Như trong ví dụ trên, khi kỳ thi chưa kết thúc thì các thị sinh vẫn có lý do để thuyết phục rằng mình có thể đỗ, điều này tạo ra sự khát khao, thèm muốn để đạt được sự kỳ vọng. Chính tâm lý khát khao và thèm muốn này một mặt làm động lực để các thí sinh phấn đấu học tập mặt khác nó giúp lấp đầy khoảng trống giữa kết quả thực tại (thí sinh chưa đỗ) và kỳ vọng tương lai (thí sinh sẽ đỗ) do đó thí sinh sẽ tạm thời không phải trải qua nỗi đau tinh thần.
Nhưng khi kết quả thi đã rõ, nếu đạt được kỳ vọng thí sinh sẽ lấp đầy khoảng trống đó bằng trải nghiệm đỗ đại học. Thường thì đây là cảm giác của sự chiến thắng nên thí sinh nào cũng cảm thấy vui vẻ, thỏa mãn.
Mặt khác còn những thí sinh trượt hay không đạt được kỳ vọng, họ bắt đầu trải nghiệm nỗi đau tinh thần. Thực tế thì ngoài việc được trải nghiệm cảm xúc đỗ đại học vẫn còn một số lựa chọn khác để thi sính không phải trải qua nỗi đau là tiếp tục duy trì sự khát khao và thèm muốn lấp đầy khoảng trống với kỳ vọng điều này đồng nghĩa thi sính đó cần phải chờ cơ hội sau một năm để thực hiện. Đây cũng không phải là điều mong muốn của nhiều thí sinh.
Có một giải pháp tốt hơn và đơn giản hơn nhiều cho thí sinh để ngừng trải nghiệm nỗi đau, đó là chấp nhận thực tại, chấp nhận thực tại là ta chấp nhận kết quả ở hiện tại, khi chấp nhận thực tại sẽ không còn khoảng trống kỳ vọng nào khiến ta phải trải nghiệm nỗi đau khi chưa có khát khao hay bất cứ cảm xúc tích cực nào để lắp đầy.
Càng chấp nhận nhanh và sớm bao nhiêu thì sự ảnh hưởng của nỗi đau càng ít bấy nhiêu.
Để hiểu sâu hơn ta hãy cùng liên hệ vấn đề này trong Trading.
Một ví dụ đơn giản nhất là sau một đợt thua lỗ, Trader sẽ có xu hướng học tập học hỏi thị trường nhiều hơn.
Kỳ vọng của Trader là có thể thắng được trong những Trade tiếp theo, càng học tập nhiều, càng cố gắng tìm hiểu nhiều vấn đề thị trường, càng làm cho Trader muốn đạt được kỳ vọng hơn bao giờ hết.
Nhưng điều này vô tình đã đẩy Trader vào một nỗi đau lớn hơn bởi:
Thứ nhất: do càng khát khao, nỗ lực đạt được kỳ vọng càng làm cho khoảng trống kỳ vọng thêm lớn hơn. Càng nỗ lực ta lại càng củng cố thêm cho sự chắc chắn rằng ta sẽ đạt được kỳ vọng.
Thứ hai: trên thị trường mỗi Trader đều là một nhân tố quyết định hướng đi của thị trường, điều này có nghĩa là bất kỳ Trader nào cũng có thể làm cho bất kỳ điều gì có thể xảy ra. Hay nói cách khác mỗi Trader đều có sự ảnh hưởng đến việc đạt được kỳ vọng của ta.
Do vậy, dù cho ta có học hỏi thị trường nhiều cỡ nào cũng không đảm bảo chắc chắn rằng ta có thể dự đoán đúng hướng đi của thị trường, nó cũng có nghĩa ta không thể đảm bảo sự chắc chắn đạt được kỳ vọng từ việc học hỏi thị trường dù ở mức độ nào.
Chính hai nguyên nhân này, sau thời gian Trader nỗ lực nhưng không thể đạt được kết quả như mong muốn, Trader sẽ tiếp tục trải nghiệm một nỗi đau lớn hơn.
Học tập thị trường là điều cần thiết, nhưng do ta lấy việc học hỏi thị trường để muốn có được một kết quả chắc chắn cũng giống nhau việc tập thể dục với mong muốn trường sinh bất tử.
Hiểu được điều này, Trader sẽ có sự điều chỉnh tâm lý để không mâu thuẫn với thực tế của thị trường.
Thực tế của thị trường là mọi chuyện đều có thể xảy ra do đó Trader cần nhìn nhận rằng bất cứ kỳ vọng nào cũng có thể được đáp ứng hoặc không.
Thị trường cũng chẳng có nghĩa vụ phải thỏa mãn các kỳ vọng của ta.
Và khi thị trường không đáp ứng kỳ vọng thì Trader cần nhanh chóng chấp nhận kết quả thực tại để tránh việc trải nghiệm nỗi đau tinh thần trong thời gian dài, gây ảnh hưởng tới các giao dịch tiếp theo.
Có một cách giúp Trader chinh phục các kỳ vọng trên thị trường là chia nhỏ các kỳ vọng, điều này có nghĩa là thay vì mong muốn đạt kỳ vọng lớn ngay lúc đầu, ta sẽ chia kỳ vọng để việc đạt được trở nên dễ dàng hơn.
Tác dụng của việc chia nhỏ kỳ vọng là việc đạt được các kỳ vọng nhỏ luôn dễ dàng hơn đồng thời tạo cho ta tâm lý tốt để tiếp tục duy trì đạt được các kỳ vọng lớn phía sau.