Tất cả Trader đều đã từng trải qua thua lỗ hay chính xác sẽ bị mất tiền nhiều lần bởi những giao dịch thất bại.
Khi chưa có được suy nghĩ của Trader chuyên nghiệp ta sẽ cảm nhận rất rõ nỗi đau này.
Lệnh giao dịch hít phải mức cắt lỗ, ta cảm thấy buồn bã, ta có thể nghĩ về số tiền bị mất sẽ mua cái này mua cái kia hay, bằng một tháng lương, bằng cả năm đi làm, đủ để cho ta một chuyến du lịch cho cả gia đình.
Nếu rơi vào suy nghĩ này ta đang dùng sự so sánh để dễ hình dung tổn thất của mình được rõ ràng hơn.
Thực tế điều này không làm cho ta tốt hơn mà nó làm cho cảm xúc của ta tệ hơn. Nỗi đau được hiện hữu rõ ràng hơn, tâm trí ghi nhớ sự mất mát được sâu sắc hơn.
Lúc này việc giao dịch được liên kết với sự mất mát, nếu quá mạnh ta có thể từ bỏ giao dịch, ở mức vừa phải ta sẽ mang tâm lý giao dịch phòng thủ quá đà, nhẹ hơn ta giao dịch mặc dù biết việc chấp nhận là điều nên làm, nhưng đâu đó liên kết giữa việc đặt lệnh đi kèm với khả năng bị thua lỗ luôn hiện hữu.
Dù muốn hay không muốn các liên kết này tự động theo cơ chế học hỏi của não bộ, các trải nghiệm gây cho ta đau đớn sẽ được não bộ ghi nhớ dưới dạng hình ảnh, âm thanh, cảm giác.
Các liên kết xét ở mức độ tích cực là cách để ta học hỏi thị trường học cách giao dịch nhưng mặt trái của nó cũng lưu lại những nỗi đau những cảm giác khó chịu, trạng thái tiêu cực.
Để khi ta thực hiện giao dịch các giao dịch thất bại đi kèm với những cảm xúc được phỏng chiếu như thể ta sắp đối mặt với thất bại ở giao dịch hiện tại, sự thật thì không phải vậy, ta đang bị ảnh hưởng bởi các liên kết.
Các liên kết này phản chiếu các hình ảnh cảm xúc với một giao dịch thất bại ta từng trải qua. Sau đó nó sẽ so sánh với những gì ta nhìn thấy.
Giả dụ khi ta đang có một lệnh giao dịch, sau một thời gian giữ lệnh thị trường dịch chuyển tạo nên một hình dạng mà ta cảm nhận được nó tương đồng với một giao dịch thất bại trước đó thì theo phản xạ ta sẽ có xu hướng tìm cách đóng lệnh giao dịch đó, vì ta cảm nhận được rủi ro bằng cách so sánh với những giao dịch thất bại.
Đây là cách tự vệ của bộ não để ngăn cho những tổn thương trong quá khứ không được lặp lại, nhưng cũng chính điều này khiến việc thực hiện các giao dịch trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Ta không còn có được suy nghĩ tự do, sự tự do bị bó buộc bởi các liên kết tiêu cực trong quá khứ. Sẽ rất khó có cái nhìn khách quan với thị trường khi ở trong trạng thái này.
Đứng trước một giao dịch có hai khả năng xảy ra đó là có thể kiếm được lợi nhuận hoặc bị mất tiền. Nhưng liệu một Trader bị ảnh hưởng bởi những liên kết tiêu cực có thể có được suy nghĩ giao dịch này sẽ kiếm được tiền hay suy nghĩ mất tiền sẽ hiện hữu nhiều hơn.
Mặt khác khi không ở trong trạng thái tỉnh táo, ta có thể nhận ra tất cả những trạng thái tiêu cực lo lắng sợ hãi đó đều hoàn toàn do mình tạo nên?
Nếu không nhận ra nguồn gốc suy nghĩ tiêu cực, ta dễ dàng tự thuyết phục mình rằng thị trường mang đến nỗi đau cho ta.
Ta bị vướng vào việc cố gắng nhận mối nguy hiểm, thay vì phải tập trung nhận ra cơ hội của thị trường.
Nguồn gốc của mối nguy hiểm không đến từ thị trường.
Thực tế thì thị trường đóng vai trò là một tấm gương phản chiếu con người của Ta.
Nếu ta vui thì ta nhìn nhận thị trường là một phương tiện có thể mang đến cho ta sự tự do, cung cấp cho ta cơ hội.
Nếu ta buồn ta cho rằng thị trường thật nhàm chán, không thú vị bằng cuộc sống bên ngoài.
Nếu ta hưng phấn thì ta cho rằng trở thành Trader thật là tuyệt, khi tận hưởng được cảm giác kiếm được tiền trên thị trường một cách hết sức thú vị.
Nếu ta chán nản, thất vọng thì ta cho rằng thị trường thật tàn nhẫn, nó cướp đi cuộc sống tốt đẹp của bao người.
Thị trường đơn thuần chỉ biểu thị tập hợp quyết định của tất các nhà giao dịch tham gia, nó là một dòng chảy liên tục, tại mỗi thời điểm ta có thể nhận ra được cơ hội nhưng cũng có một Trader khác phủ nhận cơ hội đó.
Ta có cách nhìn thị trường theo lăng kính của riêng mình. Lăng kính đó bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm trước đó.
Nếu ta có những giao dịch thua lỗ liên tiếp, lăng kính của ta nhìn thị trường sẽ dè chừng hơn, các giao dịch được suy tính cẩn thận hơn, có nhiều điều ta cần cân nhắc để đưa ra trước khi thực hiện một giao dịch tiếp theo.
Vào một thời điểm, công cụ ta đang sử dụng báo hiệu cho ta một cơ hội đến, có thể trong trại thái thoải mái về tinh thần ta sẽ thực hiện luôn một giao dịch.
Nhưng khi bị ảnh hưởng bởi các giao dịch thua lỗ, ta sẽ phủ nhận đó là một cơ hội, ta có xu hướng tìm đến dấu hiệu, được cho là lý do dẫn tới việc ta không tham gia thị trường.
Theo thời gian thị trường cho thấy ta đã bỏ lỡ một giao dịch mang lại lợi nhuận, điều này lại gây ra cho ta một nỗi đau lớn hơn.
Bởi khi bỏ lỡ một cơ hội có thể mang lại cho ta lợi nhuận, ta không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài được, trong khi đó việc đổ lỗi lệnh giao dịch thất bại do thị trường có thể sẽ hợp lý hơn, mặc dù trong mọi trường hợp thị trường chẳng có lỗi gì cả.
Ở khía cạnh khác nếu có được các giao dịch thắng liên tiếp, việc ra quyết định để thực hiện lệnh giao dịch khi các công cụ ta sử dụng báo hiệu một cơ hội đang xuất hiện dễ dàng hơn rất nhiều.
Có một điều nghịch lý là ta hay coi các giao dịch có liên quan với nhau, nếu ta đang gặp phải các giao dịch thua lỗ thì ta nghĩ giao dịch tiếp theo khả năng thua lỗ sẽ cao hơn, còn nếu ta có được các giao dịch có lời thì ta cũng lạc quan cho rằng giao dịch tiếp theo sẽ dàng dàng kiếm được lợi nhuận.
Thực thế thì không phải vậy các giao dịch độc lập với nhau, mỗi giao dịch là có xác suất thắng thua ngẫu nhiên, mà không hề liên quan hay bị ảnh hưởng bởi giao dịch trước đó.
Ta cần phải hiểu rõ điều này để kết quả các giao dịch trước đó không chi phối việc đưa ra quyết định cho các giao dịch tiếp theo.
Khi hiểu được sự liên kết là một quá trình xảy ra tự động trong vô thức.
Ta cần rèn luyện tâm trí nghĩ theo xác suất giúp cho việc giao dịch trở nên dễ dàng hơn, nghĩ theo xác suất cũng giúp ta không sinh ra tâm lý bất cẩn hay lo sợ, để tập trung vào việc nắm bắt cơ hội thị trường trao cho ta.
Nghĩ theo xác suất giúp ta loại bỏ được các liên kết không cần thiết gây ra những tác hại tới giao dịch.
Suy cho cùng ta cần xây dựng một trạng thái tinh thần luôn sẵn sàng đón nhận cơ hội thị trường, cũng sẵn sàng chấp nhận mọi kết quả có thể xảy ra cho từng giao dịch.